Xin chào các đồng răm, bốt, tốp đã đến về bài blog hướng dẫn toàn diện về Quan hệ tình dục đồng giới an toàn. Trong bài blog này, chúng mình sẽ đi sâu vào tầm quan trọng của việc quan hệ tình dục an toàn trong cộng đồng LGBTQ+ đồng thời đưa ra những lời khuyên và phương pháp bảo vệ, phòng ngừa cho các bạn. Không chỉ có thế, chúng mình sẽ cùng nhau làm sáng tỏ PrEP và PEP, nhân tố ngăn chặn sự lây truyền HIV, vốn cực kì quan trọng cho các bạn đồng tính nam.
Tại sao chúng mình lại cần QHTD đồng giới an toàn?
Quan hệ tình dục đồng giới luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tổn thương các cơ quan, bộ phận sinh dục và tăng tỉ lệ mắc các loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm qua đường tình dục (STIs). Thì thế, việc các đồng răm phải trang bị cho mình kiến thức để bảo vệ sức khoẻ của bản thân và partner là cực kì quan trọng.
Cộng đồng LGBTQ+ thường gặp phải tình trạng phân biệt đối xử và các hạn chế về tiếp cận thông tin và dịch vụ chăm sóc sức khỏe, điều này làm việc chủ động thực hiện các biện pháp bảo vệ càng trở nên quan trọng hơn.
Khi quan hệ đồng giới, có một số bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs) nguy hiểm mà bạn cần lưu ý:
- HIV/AIDS: Virus suy giảm miễn dịch ở người (HIV) dẫn đến AIDS là một trong những STIs nguy hiểm nhất, có thể lây lan qua quan hệ tình dục không an toàn, bao gồm cả quan hệ đồng giới. HIV ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch, dần dần làm suy yếu khả năng của cơ thể để chống lại nhiễm trùng.
- Giang mai (Syphilis): Giang mai là một bệnh lây truyền qua đường tình dục do vi khuẩn Treponema pallidum gây ra. Nếu không được điều trị, giang mai có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng và thậm chí là tử vong.
- Lậu (Gonorrhea): Lậu là một bệnh STI phổ biến, có thể ảnh hưởng đến cơ quan sinh dục, hậu môn, và cổ họng. Nếu không được điều trị, lậu có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
- Chlamydia: Chlamydia là một bệnh STI phổ biến khác, có thể lây lan qua quan hệ tình dục không an toàn. Nếu không được điều trị, chlamydia có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, bao gồm vô sinh.
- Viêm gan B và C: Cả hai loại viêm gan này có thể lây lan qua tiếp xúc với máu hoặc dịch cơ thể nhiễm bệnh, bao gồm cả trong quan hệ tình dục. Chúng có thể dẫn đến bệnh gan mãn tính và các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác.
- HPV (Human Papillomavirus): HPV là một virus gây ra nhiều loại bệnh khác nhau, từ sùi mào gà đến ung thư. HPV có thể lây lan qua tiếp xúc da kề da, bao gồm cả quan hệ tình dục.
QHTD đồng giới an toàn như thế nào?
Để phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs) nguy hiểm khi quan hệ đồng giới, bạn có thể áp dụng các biện pháp sau:
1. Sử dụng bao cao su đúng cách:
Bao cao su có thể giảm đến 80% nguy cơ lây nhiễm HIV. Bên cạnh bao cao su, gel bôi trơi cũng làm quá trình QHTD diễn ra mượt mà, giảm ma sát lên những vùng da nhạy cảm và tránh việc rách bcs.
Cần đảm bảo bạn đeo bcs đúng cách, đúng mặt, chọn size phù hợp. Không được đeo chồng hai cái vì cho rằng như vậy sẽ Double Protection nhé - không có đâu :0
2. Kiểm tra sức khoẻ định kỳ:
Thực hiện kiểm tra sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện và điều trị các STIs. Đồng thời giúp phát hiện các bất thường khi bệnh có triệu chứng, phát hiện sớm cũng giúp việc chữa trị trở nên dễ dàng hơn, tăng tỷ lệ điều trị khỏi bệnh và thuyên giảm.
Không chỉ các bạn trong cộng đồng LGBT, tất cả chúng ta đều nên kiểm tra sức khoẻ định kì 2 lần mỗi năm.
3. Nói chuyện với partner
Giao tiếp là việc cực kì quan trọng. Hãy trò chuyện trung thực với partner về lịch sử sức khoẻ tình dục, hoặc nếu tốt hơn thì cả hai hãy dẫn nhau đi khám sức khoẻ định kỳ và share kết quả kiểm tra STIs cho nhau, điều này sẽ củng cố niềm tin và tình yêu sẽ thăng hoa hơn đó!
Cả hai đều phải có sự đồng thuận chung trong mọi hoạt động tình dục. Ngoài ra hạn chế số lượng partner chắc chắn sẽ giảm nguy cơ lây nhiễm STIs. Hãy kỹ tính một chút để bảo vệ bản thân nhé!
4. Sử dụng PrEP và PEP
PrEP (Pre-Exposure Prophylaxis) và PEP (Post-Exposure Prophylaxis) là hai phương pháp dùng thuốc để ngăn chặn sự lây nhiễm HIV.
- PrEP (Dự phòng trước phơi nhiễm): PrEP được sử dụng bởi những người không nhiễm HIV nhưng có nguy cơ cao phơi nhiễm với virus. Bao gồm những người có partner nhiễm HIV, hoặc những người có lối sống quan hệ tình dục không an toàn, sử dụng chung kim tiêm. Khi sử dụng đúng cách, PrEP có thể giảm nguy cơ lây nhiễm HIV qua đường tình dục lên đến trên 90%.
- PEP (Dự phòng sau phơi nhiễm): PEP là một liệu pháp khẩn cấp dành cho những người đã có tiếp xúc hoặc nghi ngờ tiếp xúc với HIV. Ví dụ, sau khi quan hệ tình dục không an toàn với người nhiễm HIV.
Cả PrEP và PEP là những công cụ quan trọng trong việc ngăn chặn HIV, nhưng chúng không thể thay thế cho các biện pháp phòng tránh khác như sử dụng bao cao su. Đồng thời, cần thảo luận với bác sĩ để hiểu rõ hơn về lợi ích và rủi ro, cũng như để biết liệu PrEP hoặc PEP có phù hợp với hoàn cảnh cá nhân hay không.
5. Tiêm phòng HPV và viêm gan B
Cộng đồng LGBT nói riêng và tất cả mọi người nói chung đều cần tiêm phòng đầy đủ để bảo vệ bản thân khỏi nguy cơ mắc bệnh.
Viêm gan B là một bệnh nhiễm trùng gan do virus viêm gan B (HBV) gây ra và có thể lây truyền qua đường tình dục. Nếu không được điều trị, viêm gan B có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như xơ gan, ung thư gan, và thậm chí tử vong. Vắc-xin viêm gan B là cách hiệu quả để ngăn chặn sự lây nhiễm và biến chứng của bệnh. Tiêm phòng giúp tạo ra miễn dịch bảo vệ cơ thể khỏi virus.
HPV là một trong những STIs phổ biến nhất và có hơn 100 loại khác nhau. Các loại HPV nguy cơ cao có thể gây ra ung thư, bao gồm ung thư hậu môn, ung thư cổ tử cung, ung thư dương vật, và ung thư miệng họng. Đối với những người QHTD đồng giới, đặc biệt là các bạn đồng tính nam, nguy cơ ung thư hậu môn do HPV cao hơn rất nhiều. Vắc-xin HPV có thể bảo vệ chống lại các loại virus gây ung thư và sùi mào gà. Tiêm phòng HPV được khuyến nghị cho cả nam và nữ.
Hình như tôi có triệu chứng mắc bệnh! 😱
Các bệnh lây truyền qua đường tình dục "khó chịu" ở chỗ tụi nó thường không có triệu chứng rõ ràng, đặc biệt là trong thời gian đầu, giai đoạn ủ bệnh. Nên thường thường nếu mọi người phát hiện ra thì đã quá muộn rồi. Tuy nhiên Rung Rung yêu các bạn và sau đây là một vài trong một tỷ các triệu chứng bạn đang mắc bệnh lây nhiễm qua đường tình dục:
- Xuất hiện các nốt mẩn, loét, hoặc sưng trên cơ quan sinh dục, miệng, hoặc hậu môn.
- Cảm giác đau hoặc không thoải mái khi quan hệ tình dục.
- Sự thay đổi về màu sắc, mùi, hoặc lượng dịch tiết từ cơ quan sinh dục. Thay đổi màu sắc và kết cấu da xung quanh vùng sinh dục.
- Cảm giác đau hoặc rát khi xè xè.
- Cảm giác ngứa, đau, hoặc kích ứng ở vùng sinh dục hoặc xung quanh hậu môn.
- Sốt, mệt mỏi, đau cơ, hoặc sưng hạch bạch huyết.
- Cảm giác mệt mỏi kéo dài, không rõ nguyên nhân.
Chốt lại
"Chắc HIV nó chừa mình ra"
Như Rung Rung và cả truyền thông đã lên tiếng rất nhiều, HIV không chừa một ai. Hãy giữ một cái đầu lạnh để bảo vệ bản thân khỏi những nguy cơ lây nhiễm từ việc quan hệ tình dục không an toàn nhé.