Bệ ngồi của toilet công cộng luôn là ác mộng của các chị em. Hẳn các nàng cũng từng được nghe rất nhiều lời khuyên về việc nên che phủ bề mặt bệ ngồi bằng giấy hoặc nên ngồi xổm khi sử dụng. Điều này cũng dễ hiểu khi mà bồn cầu tại các nhà vệ sinh công cộng thường có nhiều vi khuẩn với tần suất sử dụng cao nhưng không được vệ sinh thường xuyên.
Điều này khiến nhiều người lo ngại, đặc biệt là nỗi lo bị lây nhiễm các bệnh tình dục (STIs). Tuy nhiên, sự thật là việc lây nhiễm rất hiếm khi xảy ra (nhưng không có nghĩa là không có!), hãy cùng Rung Rung tìm hiểu thêm nha.
Các bệnh tình dục phổ biến
Có nhiều loại bệnh tình dục (STI) khác nhau, nhưng dưới đây là một số bệnh phổ biến nhất mà bạn nên biết:
Chlamydia: Chlamydia lây lan qua quan hệ tình dục không an toàn, bao gồm cả quan hệ tình dục qua đường âm đạo, hậu môn, và miệng. Vi khuẩn Chlamydia trachomatis gây ra bệnh này có thể lây từ mẹ sang con trong khi sinh.
Lậu: Do vi khuẩn Neisseria gonorrhoeae gây ra và lây truyền qua quan hệ tình dục không an toàn. Bệnh có thể lây nhiễm qua các bộ phận sinh dục, hậu môn, và họng.
Herpes sinh dục: Virus Herpes Simplex (HSV) gây ra herpes sinh dục và lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp với vết loét herpes, bao gồm quan hệ tình dục qua đường âm đạo, hậu môn, và miệng. HSV-1 thường gây ra herpes miệng, còn HSV-2 chủ yếu gây ra herpes sinh dục.
HIV: HIV lây truyền qua máu, tinh dịch, dịch tiết âm đạo, và sữa mẹ. Các con đường lây nhiễm phổ biến bao gồm quan hệ tình dục không an toàn, dùng chung kim tiêm, và từ mẹ sang con trong khi sinh hoặc qua sữa mẹ.
Giang mai: Do vi khuẩn Treponema pallidum gây ra và lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp với vết loét syphilis, thường xảy ra trong quá trình quan hệ tình dục qua đường âm đạo, hậu môn, và miệng. Bệnh cũng có thể lây từ mẹ sang con trong thời kỳ mang thai hoặc khi sinh.
Nói chung là: STIs chỉ sống được trong các môi trường chất lỏng như dịch âm đạo, tinh dịch, máu, sữa mẹ, precum, dịch tiết trong trực tràng. Chúng cần một môi trường ẩm ướt với nhiệt độ cơ thể để tồn tại và phát triển nên không thể tồn tại lâu trên bề mặt toilet. Tuy nhiên, một số vi khuẩn như vi khuẩn gây bệnh lậu hoặc chlamydia có thể sống sót trong môi trường ẩm ướt ngoài cơ thể trong một khoảng thời gian ngắn, nhưng khả năng chúng lây nhiễm qua bề mặt như bệ toilet là rất thấp.
Khả năng thấp không có nghĩa là không có!
Việc lây nhiễm các bệnh tình dục (STIs) qua bệ ngồi toilet là rất hiếm, và để điều này xảy ra, bạn cần “đáp ứng” một số điều kiện sau:
- Người nhiễm bệnh phải để lại dịch tiết trên bệ toilet ngay trước khi bạn sử dụng. Và bạn phải tiếp xúc ngay lập tức. Vì như đã đề cập từ trước, STIs không thể tồn tại lâu ngoài cơ thể.
- Bạn cần có một vết thương hở như vết cắt hoặc trầy xước trên đùi hoặc mông để virus hoặc vi khuẩn có thể xâm nhập vào cơ thể. Nếu da của bạn không bị tổn thương, nguy cơ lây nhiễm gần như bằng không.
- Virus hoặc vi khuẩn cần phải tiếp xúc trực tiếp với vết thương hở trên da bạn để có thể xâm nhập vào cơ thể. Điều này đòi hỏi sự tiếp xúc chính xác, điều mà rất khó xảy ra trong thực tế.
HPV - Kẻ ngoại lệ
Tuy hầu hết các bệnh tình dục không thể sống lâu ngoài cơ thể người, nhưng virus HPV (Human Papillomavirus) lại là một ngoại lệ. Ngoài việc lây truyền qua tiếp xúc sinh hoạt tình dục, hiện nay có nhiều bằng chứng y học cho thấy virus HPV có thể lây truyền qua tiếp xúc da đơn thuần.
Virus HPV có thể tồn tại nhiều ngày ở các kẽ ngón tay, móng tay, hay các bề mặt tiếp xúc công cộng khác. Điều này có nghĩa là HPV có khả năng lây truyền qua các bề mặt như da tay, chân, tay nắm cửa nhà vệ sinh, và các bề mặt khác. Mặc dù rất hiếm, nhưng việc lây nhiễm virus sùi mào gà qua đường tiếp xúc khi đi vệ sinh không rửa tay, qua bồn cầu, hay tay nắm cửa vẫn có thể xảy ra.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh
- Rửa tay: Rửa tay bằng xà phòng giúp loại bỏ vi khuẩn và virus có thể dính trên tay bạn. Luôn chuẩn bị sẵn gel rửa tay khô trong trường hợp không có nước.
- Lót giấy vệ sinh: Trước khi ngồi lên bệ toilet, hãy lót một lớp giấy vệ sinh lên bề mặt bệ ngồi để tạo lớp chắn giữa da bạn và bề mặt bệ toilet.
- Không chạm vào mặt sau khi sử dụng nhà vệ sinh: Hạn chế việc chạm vào mặt, đặc biệt là mắt, mũi và miệng, sau khi sử dụng nhà vệ sinh công cộng cho đến khi bạn đã rửa tay sạch sẽ.
Kết luận
“Khả năng bạn bị dính bệnh STIs qua bệ ngồi toielt còn thấp hơn khả năng trúng số nữa.”
Tuy nhiên nếu có thể, Rung Rung vẫn khuyên cả các bạn nam và các bạn nữ tiêm phòng HPV để phòng tránh tối đa nguy cơ lây nhiễm.
Nguồn tham khảo:
https://www.health.com/condition/sexual-health/can-you-get-an-std-from-a-toilet-seat
https://vnexpress.net/co-lay-benh-truyen-nhiem-khi-di-nha-ve-sinh-cong-cong-4467513.html
https://vietnamnet.vn/dung-nha-ve-sinh-cong-cong-co-nguy-co-lay-benh-tinh-duc-2022437.html
https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0264410X06005767?via%3Dihub